[Chuyên đề macro] Đánh giá và hướng dẫn sử dụng lens Raynox dcr-250

Độ khó: Cao
Yêu cầu: Hiểu biết sâu về hoạt động máy ảnh, flash, macro

Mô tả: Raynox 250 là giải pháp giá rẻ chụp macro, nhưng sản phẩm của chiếc lens này còn ấn tượng hơn cả những lens macro chính hãng. Chúng ta hãy cũng tìm hiểu về cách sử dụng Raynox 250 nhé. 

Giới thiệu

Con kiến - chụp bằng Canon 70D - 55-250mm STM - Raynox 250 - Meike LED ring flash - cố định bằng chân máy và thước macro fotomate LP 02 - sử dụng kỹ thuật focus stacking 28 tấm hình chồng lên nhau

Raynox là một thương hiệu chuyên sản xuất thiết bị quang học nổi tiếng trực thuộc Yoshida Industry Co., Ltd của Nhật. Một trong những sản phẩm chủ chốt của hãng là Raynox dcr-250 Super Macro conversion lens, thường được gọi tắt Raynox 250. Đây là một trong những phụ kiện chụp macro phổ biến nhất tại Việt Nam. Sở dĩ gọi nó là phụ kiện vì nó không phải là lens độc lập gắn vào máy ảnh được. Bạn sẽ cần một lens bình thường khác, sau đó gắn Raynox vào đầu lens để tăng độ phóng đại. Nói đơn giản thì nó giống như cái kính lúp lắp thêm cho máy ảnh. Giá Raynox 250 hiện nay khoảng 2 triệu mua mới và 1.5 triệu mua cũ.

Hộp đựng Raynox 250 khá nhỏ, gồm lens, ngàm, 2 nắp đậy và một hộp nhựa trắng dùng để đựng.

Raynox 250 và phụ kiện

 

Raynox được gắn vào đầu lens bình thường

Mặc dù Raynox khó dùng thuộc loại nhất quả đất, nhưng chất lượng hình ảnh và độ phóng đại của lens thì thật sự là vô cùng ấn tượng. Ngay cả khi dùng những lens macro chính hãng Canon như 100mm macro, 100mm macro L, 180mm macro L, độ phóng đại vẫn còn thua xa. Nhà sản xuất tuyên bố Raynox 250 có thể phóng đại 2.5x (tức là gấp 2.5 lần so với những lens macro chính hãng, và gấp 7.5 lần so với lens thường như 55-250mm). Độ phóng đại này đủ làm hài lòng đại đa số các nháy chụp macro. Canon chỉ có lens MP-E 65mm f/2.8 có độ phóng đại lớn hơn (5x). Tuy nhiên lens này có giá cả nghìn $, vì thế Raynox 250 vẫn là sự lựa chọn tốt hơn rất nhiều.

Con nhện nhảy

Những gì Raynox chụp được không khác mấy so với những tấm hình chụp qua kính hiển vi của các nhà khoa học, đủ để phóng đại cả con kiến lên từng sợi lông. Hãy tưởng tượng với Canon 70D, có khả năng phóng ảnh 1.5m x 2m, bạn có thể in một con kiến dài 2m, với đầy đủ lông lá càng cựa! Đây là một điều vô cùng ấn tượng, và có thể khiến bạn bè đồng nghiệp của bạn hoàn toàn lác mắt, ngạc nhiên và trầm trồ.

Lưu ý: Raynox chỉ phù hợp với những lens có kích thước kính lọc từ 52 - 67mm. Những lens nằm ngoài khu vực này sẽ không dùng được hoặc phải dùng vòng chuyển đổi.
- Ví dụ những lens dùng được với Raynox: 40mm STM, lens kit 18-55mm STM, 100mm f/2.8 macro, 100mm f/2.8 L macro, 55-250mm STM
- Những lens không dùng được trực tiếp mà phải qua ring chuyển đổi: 50mm STM (phi 49mm), Sigma 17-50mm (77mm), 24-105mm STM (77mm)

Ưu điểm:
- Hình ảnh cho ra có độ phóng đại cực kỳ ấn tượng
- Giá rất rẻ so với công năng
- Sử dụng được và hiệu quả với cả những lens rẻ nhất.

Nhược điểm:
- Cực kỳ khó dùng, cực kỳ khó lấy nét, lấy nét bằng tay là chính
- Đòi hỏi bắt buộc phải có thêm phụ kiện gồm chân máy, flash chuyên dụng, thước cho kỹ thuật focus stacking
- Đã gắn lên là chỉ chụp được macro, không chụp được bất kỳ thứ gì khác
- Không dùng được với những lens phi nằm ngoài khoảng 52-67mm (trong khi phần lớn lens L của Canon có phi từ 72-82mm)
- Ở khẩu lớn như f/5.6, ảnh bị viền xanh viền tím, chất lượng kém. Khép khẩu xuống f/11 - f/16, chất lượng hình ảnh tăng đáng kể

Các thiết bị cần có

Máy ảnh DSLR. Máy bắt buộc phải có live view. Bạn không thể ngắm qua view finder. Máy đời mới khử nhiễu ISO cao thì càng tuyệt vời. Những máy dùng tốt với Raynox 250 gồm: 7D, 7D Mark II, 60D, 70D, 100D, 700D, 750D, 760D

Máy ảnh với tính năng live view

Lens: Lens có phi trong khoảng 52-67mm, tiêu cự càng dài độ phóng đại càng to. Trái với nhiều người bán hàng nói rằng Raynox không dùng được với lens thường mà chỉ sử dụng được với lens macro, thực tế Raynox dùng được với mọi lens. Trong đó 55-250mm huyền thoại dường như là sự lựa chọn tối ưu. Bạn cần độ phóng đại to thì chỉ việc zoom lên hết cỡ tới 250mm là được. Bạn cũng có thể dùng các lens khác như 18-135mm STM, 18-55mm STM, 40mm STM đều được. 

Chân máy: Bạn sẽ cần chân máy nhỏ và cơ động như thế này

 

Ring Flash chuyên dụng, ví dụ Canon macro Ring Lite MR 14 EX II

setup máy.

ISO: để auto
Khẩu độ: f/5.6 - f/16. Khẩu độ càng nhỏ thì DOF càng sâu. Ảnh càng đỡ bị viền xanh viền tím. Lưu ý là ở f/5.6, Raynox khiến ảnh bị viền xanh viền tím nhiều, và cũng không nét. Ở f/16, chất lượng ảnh cải thiện rất rõ rệt.
Tốc độ: để 1/125 giây

Cách chụp:

Như đã nói: Raynox là một trong những thiết bị khó dùng kinh khủng. Khi gắn Raynox vào, chế độ tự động lấy nét gần như vô dụng. Độ sâu trường ảnh mỏng hơn tờ giấy. Cái khó nhất là độ phóng đại càng to, bạn càng khó lấy nét. Chỉ khẽ rung là out nét. Bạn đừng nghĩ là nín thở thì sẽ không rung. Bạn nín thở nhưng tim bạn vẫn đập, và tim bạn chỉ cần đập một cái là tay lệch đi 1mm, lệch đi 1mm là chệch nét ngay lập tức. Với lens 55-250mm, ở tiêu cự 55mm, việc lấy nét khá dễ dàng, còn ở tiêu cự 250mm, gần như không thể cầm tay mà chụp côn trùng đang di chuyển được.

Chính vì việc khó lấy nét nên bạn không thể ngắm qua view finder được mà phải dùng live view. Máy ảnh có live view là tính năng bắt buộc khi chụp cùng Raynox. Có live view thì bạn mới ngắm chính xác vào mắt con côn trùng được. Vì xét cho cùng, cũng giống như chụp chân dung người, chụp côn trùng thì bạn cũng phải lấy nét vào mắt. Mà nói về mắt côn trùng như con kiến chẳng hạn, chỉ bằng 0.1mm! Nói không ngoa việc này giống như bạn vác khẩu súng cối đi bắn con chim sẻ bay cách đó 100m vậy.

Để hỗ trợ cho việc lấy nét khó, bạn cần có một chiếc chân máy cơ động, nhỏ gọn. Không cần phải to uỵch kềnh càng như các anh đi phơi sáng. Trái lại, bạn cần chân máy càng nhỏ gọn càng cơ động càng tốt vì bạn đang chụp những con vật sống di chuyển với vận tốc 100km/h! Chúng sẽ hiếm khi dừng lại, nhưng khi đã dừng lại, thì bạn phải dựng chân máy, lấy nét và chụp trong tích tắc trước khi chúng tót đi chỗ khác.

Thủ thuật dụ côn trùng đứng yên

Có một số thủ thuật để các bạn có thể chụp được côn trùng ngoài tự nhiên. Ví dụ với kiến, ta có thể thả đồ ngọt xuống và chỉ một lát, chúng sẽ bâu vào ăn. Lúc đó chúng ta dựng chân máy lên và tha hồ chụp choẹt mà không phải sợ các bạn kiến chạy đi chỗ khác.

Dụ kiến đứng yên khá đơn giản, chỉ với 1 giọt sữa hoặc một viên kẹo

Với nhện thì đơn giản hơn nữa vì chúng đứng rình cả ngày trên lưới. Thấy nhện, bạn chỉ việc dựng chân máy lên và ngắm cho kỹ. Nhện là loài động vật kinh dị với ước tính 60 triệu người sợ nhện trên toàn thế giới. Tuy nhiên khi phóng to lên, nhìn chúng rất khác và khối người còn không nhận ra con đó là con gì. Nếu ngắm kỹ, chúng cũng không kinh dị lắm với những con mắt rất đẹp và có hồn (4 mắt trước và 4 mắt 2 bên :D )!

Một con nhện đang rình mồi

 

Zoom hẳn vào mặt anh chàng quái dị

 

 

Chắc hẳn bạn nhện chân loằng ngoằng mỏng manh này rất nhiều người biết vì nhà nào cũng phải có vài chàng như thế này giăng tơ 

Nhưng chắc rất ít người biết bộ mặt thật phóng to của chàng nhìn sẽ như thế này

 

Con nhện nhảy bé tí tẹo cũng là "người mẫu" được ưa thích của giới macro

 

Bởi khi phóng to lên, trông chúng thật hoành tráng và khối người không hiểu đây là con gì

Với 2 người đẹp quen thuộc của giới macro: con ruồi và nhặng, các bạn cần trang bị thêm gồm: kẹp bịt mũi (hoặc khẩu trang). Các idol này xuất hiện phổ biến ở các bãi rác bẩn thỉu. Trong đó nhặng to và đẹp hơn ruồi.

Nhặng xanh rất "lộng lẫy" khi chụp macro

Còn "Người mẫu" xấu xấu bẩn bẩn này đích thị là con ruồi!

 

Đây là một kẻ giả trang kỳ quái với cái đuôi giống con gián, thân hình giống con ong, và cái đầu của con ruồi. Nhìn nó giống một sản phẩm lai tạo trong phòng thí nghiệm. Thực ra đây là cá thể thuộc loài Ruồi giả ong

Những con vật khó chụp nhất gồm muỗi, ong. Những con vật này quá cơ động nên sử dụng Raynox 250 truy đuổi chúng là cả một cực hình

Chụp được con ong rõ nét với Raynox 250 là cả một cực hình

Cải thiện độ nét bằng flash

Một trong những cứu cánh của chụp macro là flash. Như các bạn thấy trong phần setup máy: Việc để khẩu độ cực nhỏ f/11 - f/16, cộng với tốc độ chụp nhanh 1/125 giây sẽ đẩy ISO lên rất cao (thường ít nhất cũng là 2000 - 3200). ISO cao như vậy làm ảnh nhiễu đáng kể. Vì vậy có flash gần như là điều bắt buộc. Flash macro cũng là flash chuyên dụng, được gắn thẳng vào đầu lens, có tính năng bật sáng liên tục để hỗ trợ chụp một cách tốt nhất.

Ring Flash Yongnuo chuyên dụng cho macro, được gắn thẳng vào đầu lens

 

Bộ gear hoành tráng của một dân macro chuyên nghiệp gồm lens macro chuyên dụng, raynox gắn ở đầu, combo 3 đèn flash gắn xung quanh

Chụp nét từ đầu đến đuôi mẫu vật bằng kỹ thuật Focus stacking

Để khắc phục hạn chế về độ sâu trường ảnh DOF quá mỏng, đồng thời giúp chụp macro rõ từ trước ra sau con vật, người ta áp dụng kỹ thuật Focus stacking. Nói nôm na, Focus stacking là kỹ thuật chụp nhiều bức ảnh nét nhiều phần khác nhau của con vật, sau đó ghép lại thành một bức ảnh nét suốt từ đầu đến đuôi. Nhiều nhiếp ảnh gia có thể ghép tới cả trăm tấm ảnh vào một. Có nhiều phần mềm hỗ trợ stacking focus, trong đó photoshop CS5 trở lên có tính năng này. Để phục vụ cho chụp Focus stacking, hầu hết các nhiếp ảnh gia phải có thiết bị hỗ trợ như thanh trượt. Duytom sẽ đề cập kỹ hơn về Focus stacking trong một bài khác.

Chụp kiến với kỹ thuật focus stacking

Kết luận

Raynox 250 là món đồ chơi dành cho dân thiện chiến và là một trong những nội dung nhiếp ảnh thử thách nhất. Những bạn newbie mới thực tập sẽ gặp vô vàn khó khăn và dễ nản chí. Và chỉ mình Raynox 250 không thì cũng chưa nên cơm cháo gì. Bạn phải sắm thêm chân máy, flash ring chuyên dụng, thước Focus stacking thì lúc đó mới có thể sản xuất ra những tác phẩm đẹp được. Với tổng đầu tư khoảng 3.5 triệu, cộng với quá trình tìm hiểu và thực hành miệt mài, các bạn sẽ có thể cho ra đời những tác phẩm macro cực kỳ ấn tượng, và nó hoàn toàn xứng đáng với những gì bạn bỏ ra.

Bâng khuâng

Bản quyền hình ảnh và nội dung thuộc về duytom.com. 

 DMCA.com Protection Status


Comment

{fcomment}

 

Related Articles